MÙI ĐU ĐỦ XANH - The Scent of Green Papaya, 1993
- ́8 Cine
- Apr 1, 2020
- 3 min read

Bộ phim lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1950 và xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là cô bé Mùi và những nhân vật trong gia đình mà cô bé làm giúp việc. Mùi năm 10 tuổi hay năm 20 tuổi đều là cô bé tháo vát, lặng lẽ ít nói nhưng rất biết quan sát và quan tâm đến mọi người quanh mình. Mùi dành tình cảm đặc biệt cho Khuyến - cậu chủ của cô. Hai lần Mùi mặc chiếc áo đẹp nhất của mình, hai lần Mùi khao khát muốn được thể hiện vẻ đẹp của bản nhất, đều là vì Khuyến.
Mỗi một nhân vật nữ trong bộ phim đều thật sự ấn tượng. Bà nội và mẹ của Trung (bạn của Khuyến) đều là những người phụ nữ đầy tính hy sinh, luôn bao dung và an phận. Mẹ Trung không dám quá lời phàn nàn chồng mình dẫu ông luôn gây cho gia đình nhiều rắc rối. Và những người phụ nữ trong phim thì luôn gắn với hình ảnh tất bật trong bếp, chu toàn mâm cơm gia đình, lo lắng từng việc vụn vặt nhất. Đối lập là cảnh những đàn ông nhàn nhã với thơ ca nhạc hoạ, thảnh thơi hưởng thụ cuộc sống.
Mùi lớn lên trở thành người giúp việc riêng cho cậu Khuyến, người mà cô đã thầm thương trộm nhớ bao năm. Trong cảnh quay cậu Khuyến tìm vào phòng Mùi, không biết đã qua bao lâu để Khuyến đưa ra quyết định mở cửa, chỉ biết là rất lâu rất lâu. Nhưng ngay khi cửa mở, Mùi bật dậy như thể đã luôn chắc chắn rằng Khuyến sẽ chọn mình. Khuyến dẫu từng hứng thú với cô bạn gái Tây học của mình nhưng rồi sẽ chán nản với sự tân thời đó mà phản bội cô và tìm đến Mùi.
Có lẽ kết thúc “đẹp” của phim là điều mà mỗi khán giả sẽ mãi trăn trở, rằng Khuyến đối với Mùi là tình yêu hay chỉ là việc chọn một người đàn bà phù hợp làm hậu phương vững chắc. Bởi dẫu cho Khuyến biết tôn trọng Mùi hơn những người đàn ông thế hệ trước, anh dạy mùi viết chữ, đọc sách nhưng tương lai của cô rồi sẽ như thế nào khi ta thấy hình ảnh những người đàn bà trong phim đã luôn gắn liền với những chịu đựng và hy sinh. Sự chọn lựa trong phim luôn nằm trong tay người đàn ông, dẫu những người phụ nữ ai ai cũng giỏi giang và thừa thông minh để ra quyết định, nhưng họ chọn đặt mọi thứ trong tay đàn ông, bao gồm cả Mùi.
Nhưng tựu chung lại, điểm sáng làm rung động lòng người của bộ phim là ý tứ của Khuyến dành cho Mùi. Khi anh đã quen với việc có cô chăm sóc, khi anh đã trải nghiệm yêu đương với một cô gái hiện đại hơn nhưng vẫn không thể không lưu luyến cô bé Mùi trong sáng, đảm đang. Và nhất là khi anh dạy vợ mình viết chữ, ánh mắt yêu thương của anh đã nâng cao vị trí người phụ nữ trong gia đình - bình đẳng với cánh mày râu.
Hơn thế, bộ phim còn thể hiện trọn vẹn nét đẹp của tầng lớp trí thức Sài Gòn những năm 1950, với đại diện là Khuyến, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống và tiếp nhận Tây học. Khi văn hoá phương Tây từng bị cho là một sụa xâm lăng thì hình ảnh cô bạn gái của Khuyến tức giận đập phá, không cam chịu khi bị phản bội.
Comentarios